Đã có những thông tin và mặc dù tạo ra nguồn thu nhập ổn định nhưng PG, thợ xăm, phục vụ tại quán bar… vẫn là những nghề khiến nhiều nữ sinh khốn đốn, mang tiếng xấu.
Nhắc đến những nghề như PG, DJ, thợ xăm, xỏ khuyên… mọi người thường nghĩ ngay tới môi trường làm việc nguy hiểm, nhiều cám dỗ. Và các bạn trẻ theo nghiệp này chủ yếu chỉ đua đòi, hư hỏng, chứ không thực sự có ý định kiếm tiền nghiêm túc.
PG sự kiện, đi tiệc…
PG (Promotion Girl) được biết đến là nghề dành cho những cô gái trẻ trung, xinh đẹp, lấy hình ảnh của mình để quảng cáo cho sản phẩm của các công ty, thương hiệu… Công việc này khá đa dạng, từ PG sự kiện chuyên đứng giới thiệu sản phẩm, phát hàng khuyến mại, làm người mẫu tóc cho đến PG tiệc với dịch vụ đi chơi với khách hàng, giả làm người yêu…
Mọi người thường nghĩ PG chỉ là nghề khoe thân, khoe đùi.
Ảnh minh họa.
Với mức lương khá ổn (khoảng 200.000-700.000 đồng/người cho 2-4 tiếng), đòi hỏi sự bắt mắt, thu hút khách hàng nên trang phục PG khá ngắn và gợi cảm. Bên cạnh đó, địa điểm làm việc của các nữ PG thường là những tụ điểm ăn chơi, đông đúc, do đó khiến cho nhiều người có cái nhìn sai lệch, phiến diện về nghề này.
Tuy nhiên ít ai biết được rằng, các nữ sinh đã phải chịu biết bao khó khăn, vất vả. “Tôi từng gặp một số trường hợp đáng tiếc như rách váy đồng phục, phải đền mất cả ngày lương hay giật mình vì bị khách chạm vào đùi” – Diệu Linh (sinh năm 1992) chia sẻ. Đó là còn chưa kể PG luôn phải đứng tươi cười hàng giờ trên những đôi giày cao gót hay giữa trời trưa nắng…
Làm việc tại quán bar
Dù suy nghĩ của mọi người hiện nay đã cởi mở hơn trước nhưng những người trẻ, đặc biệt là nữ giới làm việc tại bar vẫn thường bị mang tiếng xấu. Có điều này cũng bởi đây được coi là môi trường rượu bia, khách đến chủ yếu là nam nên khó tránh khỏi những cám dỗ và hành động khiếm nhã.
Nữ sinh thường bị mang tiếng xấu khi làm việc tại bar.
Song theo Minh Hằng (sinh viên ĐH Hà Nội), nơi chốn tưởng chừng như chỉ để vui chơi đó luôn chứa mồ hồi, nước mắt của cô cùng các đồng nghiệp khác. “Thực tế, các nữ sinh làm nghề pha chế, phục vụ bàn, DJ… luôn trong tình trạng đầu tắt mặt tối, thời gian nghỉ ngơi còn không có, chứ đừng nói đến ăn chơi” – Hằng nói.
Cũng chính vì sự kì thị của xã hội mà phần lớn các bạn trẻ làm việc tại bar hiện nay đều có xu hướng giấu giếm nghề nghiệp của mình. Song bên cạnh đó, Phương Linh (sinh năm 1991) lại có quan điểm rất rõ ràng: “Việc nào cũng là việc, mình không làm gì xấu nên không phải ngại”.
Thợ xăm, nong tai, xỏ khuyên
Ngày nay, xăm mình, nong tai hay xỏ khuyên đã không còn xa lạ với mọi người và dần trở thành trào lưu của giới trẻ. Song khi trông thấy phong cách này trên đường, nhiều người vẫn tỏ vẻ kì thị và đánh giá ngay người đó ăn chơi, hư hỏng. Vì vậy nên những nữ sinh theo đuổi công việc này cũng không được mấy cái nhìn thiện cảm.
Những bạn trẻ xăm mình, nong tai hay xỏ khuyên đều hư hỏng?
Trà My (sinh viên ĐH Thăng Long) cho biết, bên cạnh những khó khăn khi phải sắm những dụng cụ đảm bảo an toàn, chất lượng lên đến hàng chục triệu đồng, thường xuyên sáng tạo, tìm hiểu xu hướng xăm, mẫu khuyên… mới trên thế giới thì My còn đau đầu, mệt mỏi vì ánh mắt nhòm ngó của mọi người xung quanh.
Song cô gái trẻ cũng như nhiều bạn nữ sinh đang theo nghề khác vẫn quyết tâm giữ vững lập trường của mình. Bởi “xăm mình, xỏ khuyên đều là một loại hình nghệ thuật. Không nên đánh giá ai đó qua vẻ bề ngoài, bản chất bên trong con người mới là quan trọng”.
Bán đồ người lớn
Mặc dù phải chịu không ít điều tiếng nhưng nhiều nữ sinh vẫn chọn công việc làm thêm bán đồ chơi người lớn để có thêm thu nhập, phụ giúp gia đình.
Nữ sinh bán đồ người lớn thường xấu hổ, sợ bị phát hiện nghề đang làm.
Ảnh Đất Việt.
Do đặc thù của nghề thường xuyên tư vấn, bán các đồ nhạy cảm, tiếp xúc với khách nam, thời gian làm việc muộn nên các bạn trẻ này luôn khá bối rối, khổ tâm. “Mọi người nếu biết mình ở đây sẽ đánh giá mình hư hỏng. Ngay cả đến khách hàng ghé đến cũng không tôn trọng, còn hay xem thường, buông lời trêu ghẹo” – Nguyễn Hồng chia sẻ.
Vì thế nên phần lớn các nữ sinh khi quyết định kiếm tiền bằng nghề bán đồ người lớn cũng đồng nghĩa với việc cô lập bản thân, tránh kể chuyện, gặp gỡ người quen. Đồng thời luôn trong tình trạng xấu hổ, sợ bị ai đó phát hiện mặc cho đó là nghề được pháp luật cho phép.
Thực tế, do tính chất công việc phải tiếp xúc với nhiều kiểu khách hàng nên khả năng giao tiếp, xử lý tình huống… của các cô nàng PG hay phục vụ tại bar thường hơn hẳn bạn học cùng lớp. Bên cạnh đó, nữ sinh còn biết cách nhìn người hơn và sớm tự lập, không quá phụ thuộc vào cha mẹ.
Vì vậy, sẽ là quá cổ hủ nếu như cho rằng cứ làm việc ở bar, cửa hàng người lớn… là xấu. Bởi các cô gái trẻ không thể vừa phải chịu vất vả nơi làm việc vừa phải chịu điều tiếng ngoài xã hội.
Bạn đánh giá bộ ảnh này mấy sao ? [ratings]